Đình Trung Kiền được xây dựng cùng thời điểm với quá trình tụ cư lập làng, đây là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của cả cộng đồng: nơi thờ thần Thành Hoàng và các chư vị thần thánh trong một ý niệm “bách thần sở hội”, nơi diễn ra các hoạt động nhóm họp, bàn bạc việc công làng xã, tổ chức lễ hội vào dịp tết lễ hoặc xuân thu nhị kì.
Đình Trung Kiền có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Đình là nơi lưu giữ giá trị văn hóa vật thể với kiến trúc truyền thống của người Việt thuộc loại hình tín ngưỡng dân gian. Tuy được trùng tu nhiều lần, song vẫn giữ nét cổ kính truyền thống như bao ngôi đình khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo hồ sơ công nhận di tích, Đình Trung Kiền được khởi dựng vào năm thứ 10 Cảnh Hưng (1749). Năm Gia Long thứ 11 (1811), đình được sửa chữa một số hạng mục nhỏ. Căn cứ dòng chữ trên bộ vì kèo còn lưu lại, đình tiếp tục được tu sửa vào năm 1926.
Bức đại tự sơn son thếp vàng do vợ vua Đồng Khánh ban tặng và được dân làng Trung Kiền lưu giữ đến nay
Năm Đinh Sửu 1937, dưới thời vua Bảo Đại, Khôn Nghi Xương Thái hoàng Thái hậu (tức Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu Dương thị - vợ vua Đồng Khánh) đã hỗ trợ kinh phí xây dựng lại đình làng Trung Kiền và ban tặng bức đại tự sơn son thếp vàng, chính giữa khắc dòng chữ lớn : Đình Trung Kiền.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Trung Kiền là chứng nhân lịch sử, là địa điểm ghi dấu những đóng góp không nhỏ của nhân dân làng Trung Kiền vào sự nghiệp cách mạng của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hiện trạng kiến trúc hiện nay của đình chính là kết quả của đợt đại trùng tu vào năm 2012. Đình Trung Kiền được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 708/QĐ-UBND ngày 21.3.2024.
Cụ Nguyễn Hàm Nhất - Trưởng làng Trung Kiền chia sẻ: Việc xếp hạng đình Trung Kiền là di tích lịch sử là một quá trình không hề dễ dàng, vì các nhân chứng sống phần vì tuổi cao không còn minh mẫn, người thì theo con cháu đi xa. Các cơ quan chức năng phải tổ chức nhiều hội thảo mới thu thập đủ hồ sơ pháp lý để công nhận. Sau nhiều nỗ lực, hôm nay, chúng tôi rất vui mừng khi thấy nguyện vọng của cả làng đã thành hiện thực.
Bên trong đình làng Trung Kiền, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, bày tỏ vui mừng, tự hào và đánh giá cao giá trị văn hóa, lịch sử tốt đẹp mà bà con dân làng Trung Kiền đã gìn giữ thời gian qua. Đình Trung Kiền không chỉ là một biểu tượng của quá khứ, mà còn là địa chỉ đỏ tuyên truyền giáo dục cách mạng, nơi ghi dấu những trang sử hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Theo UBND xã Lộc Tiến, thời gian qua trụ sở UBND xã được xây dựng trên đất của đình làng Trung Kiền, nhưng thời gian tới sẽ khởi công xây dựng trụ sở ở một địa điểm mới. Diện tích đất này sẽ được hoàn trả lại cho đình làng, qua đó khuôn viên đình được mở rộng hơn, góp phần tạo không gian cảnh quan và phát huy giá trị di tích đình Trung Kiền.