Tìm kiếm tin tức
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Ngày cập nhật 29/08/2017

          I. Đặc điểm tự nhiên:

          1.1. Vị trí địa lý

          Xã Lộc Tiến là xã nằm về phía Đông Nam của huyện Phú Lộc cách trung tâm huyện khoảng 15 km, có toạ độ địa lý 16°16'18.3"B 107°59'27.2"Đ. Với vị trí như sau:

          - Phía Tây giáp xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Phía Bắc giáp với xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

          - Phía Đông giáp thị trấn Lăng Cô huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Phía Nam giáp với thành phố Đà Nẵng.

          1.2. Địa hình

          Là một xã kéo dài theo dãy Trường Sơn, có hơn nửa diện tích đồi núi, độ cao lớn, có rừng đầu nguồn, cung cấp nước cho nhiều khe suối, địa hình có nhiều sông suối chảy qua, trên đồng ruộng có nhiều vùng sâu trũng. Có một dòng sông đi qua giữa trung tâm xã đó là sông Thừa Lưu được nối liền bởi hai trục giao thông chính là QL 1A và đường sắt Bắc Nam xuyên qua rất thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán trên mọi miền đất nước. Diện tích đồng bằng phần lớn là đất cát sa van bạc màu, địa hình tương đối bằng phẳng, độ chênh lệch trung bình là 0,6m rất thuận lợi cho việc xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng.

          1.3. Khí hậu

          Lộc Tiến có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm và chịu tác động của khí hậu biển, đồng thời, khu vực chịu ảnh hưởng bởi chế độ khí hậu thuỷ văn phức tạp của các hình thể thời tiết, do địa hình núi vòng cung bao bọc, nên ở đây nằm trong vùng mưa lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Khi mưa lớn một số khu vực thường bị ngập đặc biệt là vùng giáp chân núi phía Nam đường sắt. Sau đây là các đặc trưng chính:

          a)  Nhiệt độ  không khí trung bình năm 24,4°C

          b)  Lượng mưa trung bình năm 3400 mm

          - Số ngày mưa trung bình:  164 ngày

          - Lượng mưa lớn nhất năm:  4835 mm

          - Lượng mưa thấp nhất năm:  2384 mm

          - Lượng mưa ngày đặc biệt năm 1999 đã lên tới 500 mm - 800 mm

          c) Gió:

          - Mùa Đông: Gió Bắc, Đông Bắc, Đông và Đông Nam, gió Nam và Tây Nam thỉnh thoảng cũng xuất hiện nhưng rất ít.

          - Mùa Hè: Gió Đông, Đông Nam, gió Tây Nam  kèm  theo không khí khô nóng.

          - Tốc độ gió trung bình: 1,7 m/s

          -  Tốc độ lớn nhất:          19 m/s

          Gió Tây (gió Lào) khô nóng: Thịnh hành vào tháng 5 đến tháng 8 - Nhiệt độ > 35oC, độ ẩm thấp. Tổng số ngày thời tiết khô nóng 34,9 ngày.

          d) Bão:

          Khu vực Chân Mây hàng năm chịu ảnh hưởng trực tiếp các cơn bão đổ bộ vào vùng Thừa Thiên Huế. Bão thường gây ra mưa lớn, sạt lở đất ở các sườn núi và lụt ở ven các sông lớn.

Số liệu đo được tại khu vực Chân Mây mực nước dâng trong bão Hmax là 2,0m (ở độ sâu 10m), mực nước triều lớn nhất trong bão 1,45m, mực nước trung bình 0,7m, mực nước nhỏ nhất 0,2m.

          Tần suất số cơn bão đổ bộ vào khu vực Thừa Thiên Huế hàng năm chiếm 8% với cường độ bão và sức gió từng cơn khác nhau. Cơn lũ lịch sử năm 1999 đã làm ngập vùng đồng bằng ven biển kèm theo lũ quét đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản tại khu vực đầm cầu Hai và thị trấn Lộc Trì. Khu vực Chân Mây bị ngập ở khu vực Nam đường sắt và ven hai bên bờ sông Thừa Lưu, sông Mỹ Gia mức độ thiệt hại ít hơn.

          e)  Sương mù: Tổng số ngày năm 14 ngày.

          g)  Số ngày có giông: trung bình năm 23 ngày

          h)  Độ ẩm không khí: trung bình năm 84%

          i)   Lượng bốc hơi: Trung bình năm 919 mm

          1.4. Thủy văn

          Xã Lộc Tiến chịu ảnh hưởng rõ nét của địa thế, lưu vực hình thành do các sườn núi của các dãy núi: Cái Tong, Núi Chín, Hòn Cháy. Địa hình bị chia cắt tạo nên hệ thống khe suối lớn trong vùng, tất cả đều đổ vào sông Thừa Lưu và chảy trực tiếp ra biển qua cửa Cảnh Dương. Dòng chảy của sông biến đổi theo mùa, tốc độ dòng chảy mùa lũ thường lớn gấp nhiều lần so với mùa khô. Do địa hình tương đối dốc nên dòng chảy khá mạnh gây xói mòn rửa trôi đất đai.

           II. Tài nguyên:

           1. Đất đai:   

          Tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 5.407 ha gồm có 2 loại đất chính sau (theo báo cáo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 xã Lộc Tiến):

          - Đất đồi núi: chiếm diện tích khá lớn, thuận lợi cho việc trồng rừng và khai thác dịch vụ du lịch.

          - Đất cát (C): phân bố đều khắp trên địa bàn xã, là loại đất có ưu điểm địa hình khá bằng phẳng, độ ẩm khá cao hơn so với đất cồn cát nên có thể sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, chủ yếu thích hợp trồng các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày.

          - Đất biến đổi do trồng lúa nước: (Lp): phân bố chủ yếu ở vùng ruộng phía Tây Bắc của xã. Là loại đất hình thành do nhiều sản phẩm phong hoá đá mẹ gây ra. Loại đất này chủ yếu được sử dụng cho trồng lúa nước.

          - Các loại đất khác (sông suối và mặt nước chuyên dùng ...): phân bố chủ yếu về phía Đông Nam của xã. Đây là vùng có thể khai thác cho du lịch sinh thái.

          2. Rừng:

           Diện tích đất rừng 3.375,45ha  gồm: rừng đặc dụng 616,19ha, rừng trồng là 2.759,26 ha, trong đó: rừng cá nhân 875,04ha, rừng Hợp tác xã 55,57ha, rừng Ủy ban nhân dân xã quản lý 155,53ha, các tổ chức 1.084,41, cộng đồng dân cư 588,71ha.

         3. Tài nguyên nước:

          - Nguồn nước mặt: Nguồn nước mặt trên địa bàn xã chủ yếu là các hói thoát nước, sông Thừa Lưu trong hệ thống sông chính sông Bù Lu cung cấp nguồn nước chính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của nhân dân.

          - Nước ngầm: Theo tài liệu nghiên cứu và kết quả điều tra khảo sát thực tế cho thấy nguồn nước ngầm đã được người dân khai thác sử dụng vào sinh hoạt và sản xuất trong giai đoạn trước đây; quan sát giếng đào, giếng khoan cho thấy mực nước ngầm nông và nằm khoảng ở độ sâu từ 3m đến 6m tuỳ vào khu vực đào giếng. Tuy nhiên, nguồn nước này thường xuyên bị nhiễm phèn, hầu hết người dân đã chuyển sang dùng nước sạch cấp từ các dự án cấp nước trên địa bàn.

4. Tiềm năng và lợi thế:

          Là một xã có nguồn lợi về lâm sản, nông sản và thủy sản tương đối phong phú, có thế mạnh trong hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trong những năm qua luôn đạt ở mức khá, thu nhập và đời sống nhân dân ngày một cải thiện. Nguồn lao động tương đối dồi dào (gần 50% dân số), có khả năng chuyển dịch sang các ngành khác như dịch vụ, du lịch là nhân tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của xã.

          Xã Lộc Tiến nằm trên trục phát triển đô thị Chân Mây từ thành phố Huế đến thành phố Đà Nẵng, do đó, có những cơ hội để phát triển những ngành nghề kinh tế phi nông nghiệp như du lịch, dịch vụ... để từng bước có thể chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo định hướng phát triển đô thị.

          Hiện tại, trên địa bàn có Khu chức năng công nghiệp thuộc Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô. Do đó, rất thuận lợi cho việc chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 180